Tin tức
|
Tân Chủ tịch nước: “Chủ quyền biển đảo là bất khả xâm phạm” (25-07-2011)
Với các đồng chí nhà báo, chúng tôi và mọi người dân Việt Nam cũng vậy, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”, tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh khi trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề biển Đông.
Tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Có nghị quyết về biển Đông hay không tuỳ thuộc vào tính chất của tình hình, ý chí của đại biểu Quốc hội (Ảnh: Việt Hưng)
Chống tham nhũng: “Phải hành động”
Xin Chủ tịch nước cho biết quan điểm của mình về vấn đề chống tham nhũng trong nhiệm kỳ tới đây? Đây là vấn đề hết sức bức xúc của đồng bào, cử tri trong kỳ tiếp xúc cử tri của chúng tôi trước bầu cử Quốc hội. Đảng và Nhà nước đã có nghị quyết phòng chống tham nhũng, luật pháp cũng có rồi, vấn đề là hành động thôi. Đại hội toàn quốc lần thứ XI cũng nhận định, chúng ta có một số kết quả bước đầu trong lĩnh vực này, nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Cho nên theo tôi, Đảng và Nhà nước phải có trách nhiệm rất lớn trong vấn đề lãnh đạo, điều hành đất nước, đặc biệt trong mặt trận phòng chống tham nhũng này để đáp ứng đúng nguyện vọng mà cử tri, đồng bào cả nước đã gửi gắm. Phải nói, đó là niềm tin, hi vọng rất lớn vào Quốc hội khoá XIII này. Tôi biết chắc rằng, từng đại biểu Quốc hội cũng có những hứa hẹn trước nhân dân, trong đó cũng có những đại biểu hứa tăng cường phòng chống tham nhũng lãng phí để đáp ứng nguyện vọng của người dân và tôi hi vọng lời hứa của các vị trước nhân dân không bao giờ bị quên và nhân dân cũng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chúng tôi, các vị đại biểu để giúp cho công việc này có kết quả, ít ra cũng tốt hơn khoá vừa rồi. Để thực hiện tốt hơn việc phòng chống tham nhũng, chúng ta sẽ phải thực thi nhiệm vụ cụ thể gì, thưa Chủ tịch nước? Nghị quyết Trung ương 3 khoá X là một quyết tâm rất lớn của Đảng và trước đó, Luật Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí cũng rất đầy đủ. Sau đó Quốc hội cũng cho thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở hai cấp, cấp Trung ương, cấp tỉnh. Qua đánh giá Đại hội Đảng lần thứ 11 là đã đạt được một số kết quả nhưng so với mục tiêu, yêu cầu, nghị quyết của Quốc hội thì chưa đạt được. Nếu so với mục tiêu của chúng ta là ngăn chặn và từng bước đẩy lùi thì những kết quả đạt được chưa đủ để ngăn chặn và đẩy lùi. Còn thực hiện điều đó thì không có gì khác hơn là trở lại nghiên cứu nghị quyết của Đảng, luật pháp của Quốc hội và Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng phải năng nổ, tích cực hơn. Ta phải rà soát lại tổng thể chính sách, chế độ xem có gì sơ hở nữa không để chúng ta chấn chỉnh, sửa đổi. Thứ hai, tổ chức bộ máy, tổ chức chỉ đạo phòng chống tham nhũng có những khâu, đoạn nào mà ta thấy còn yếu, không phù hợp thì cũng chẩn chỉnh. Nói tóm lại là phải hành động. Văn bản giấy tờ thì rất nhiều, đầy đủ, vấn đề là phải hành động một cách kiên quyết như gửi gắm của cử tri với các vị đại biểu. Liên quan đến vấn đề phòng chống tham nhũng, Chủ tịch từng nói đến khải niệm “bầy sâu”. Chủ tịch có thể đề cập cụ thể hơn về việc này? Tôi nói thế này, một vị đại biểu Quốc hội và cũng là một cựu chiến binh có nói, ông bà mình nói một con sâu làm rầu nồi canh, nhưng bây giờ không phải một con sâu mà nhiều con sâu. Đồng chí đó hỏi tôi là phải làm như thế nào đây? Tôi có nói, đúng là trước đây ông bà ta có nói, một con sâu làm sầu nồi canh rồi, bây giờ nhiều con sâu thì hết sức nguy hiểm, chúng ta phải ra tay phòng chống cho tốt. Phòng chống không tốt, nó trở thành một bầy sâu sẽ hết sức nguy hiểm cho đất nước. Chắc ở đây ai cũng lo lắng như vậy. Các đồng chí cũng lo, chúng tôi cũng lo. Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm Một số đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội lần này nên có nghị quyết về vấn đề biển Đông. Ý kiến của Chủ tịch thế nào? Trong chương trình lần này, Chính phủ sẽ có báo cáo về biển Đông, còn có nghị quyết hay không thì Quốc hội sẽ quyết định. Ý kiến cá nhân tôi thì điều đó phụ thuộc vào tính chất của tình hình, tuỳ thuộc vào ý chí của đại biểu Quốc hội. Thời điểm và tình thế như hiện nay đã có nghị quyết được chưa? Đến thời điểm xem xét vấn đề này, Quốc hội sẽ bàn, sẽ tính. Việc này là chủ thể Quốc hội yêu cầu chứ không phải Chủ tịch nước. Đến chương trình đó tôi cũng sẽ có thái độ. Thưa Chủ tịch, làm thế nào bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ và giữ được vị thế của Việt Nam? Vấn đề chủ quyền quốc gia thì với bất kỳ quốc gia nào cũng là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bất cứ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ đều có nhận thức đó và chúng ta cũng vậy. Với các đồng chí, chúng tôi, mọi người dân Việt Nam cũng vậy, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Giữ chủ quyền phải dựa vào những cơ sở quan trọng, một là luật pháp, gồm luật pháp quốc nội và luật pháp quốc tế. Thành quả đấu tranh lâu dài của loài người, của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước nhỏ mới có được công ước biển 1982.
Chúng ta phải dựa vào đó bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của đất nước với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình - điều đó là dứt khoát.
Đương nhiên trên cơ sở đó chúng ta luật hoá luật quốc nội để thực hiện chiếm hữu về mặt pháp lý, chiếm hữu về mặt thực tế. 3 mặt của vấn đề xác lập chủ quyền của một quốc gia trên biển đảo đó là chủ quyền về pháp lý, chủ quyền lịch sử và chủ quyền về thực tế, tức là chiếm hữu, khai thác và sử dụng vùng là chủ quyền và quyền chủ quyền của mình. Xin cảm ơn Chủ tịch nước! Cấn Cường (ghi)
Tin mới hơn
Đại học Huế áp dụng thu và thanh toán phí trực tuyến (29-09-2011)
Tuần sinh hoạt công dân - học sinh sinh viên (07-09-2011)
Bộ GD-ĐT không chủ trương thêm ký tự F, J, W, Z (11-08-2011)
Người hùng trong vụ thảm sát trên đảo Utoeya (25-07-2011)
ĐT Việt Nam hối hả chuẩn bị cho cuộc tái đấu Qatar (25-07-2011)
|
Sự kiện nổi bật
Sự kiện mới nhất
LIÊN KẾT WEBSITE
|