Tin tức
|
Đại học Huế vẫn đang trong tâm thế đầu tư toàn tâm, toàn lực để phát triển thành Đại học quốc gia (02-12-2017)
Trong khi dư luận băn khoăn, lo ngại từ đội ngũ trí thức Thừa Thiên Huế sau buổi làm việc của Thủ tướng chiều 02/11/2017 với 2 Đại học Quốc gia và Đại học Đà Nẵng còn chưa lắng xuống thì ngày 22/11/2017 mới đây, VPCP lại ban hành tiếp Thông báo số 542/TB-VPCP sẽ tạo điều kiện cho cơ chế, chính sách đặc thù để ĐHĐN (cùng với ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh) trở thành “Trung tâm đào tạo nghiên cứu ứng dụng trong khu vực”. Trước thông tin này, PV đã có cuộc phỏng vấn nhanh với PGS.TS Nguyễn Quang Linh-GĐ Đại học Huế.
PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Quang Linh, ĐH Huế đã từng được Chính phủ phê duyệt trở thành ĐH Quốc gia vào năm 2015. Xin GĐ Đại học Huế cho biết tâm trạng của đội ngũ trí thức Thừa Thiên Huế cũng như ĐH Huế trước Thông báo số 542/TB-VPCP của VPCP ngày 22/11/2017 mới đây, sẽ dồn lực cho 3 ĐH lớn của VN mà không có tên của ĐH Huế?
PGS.TS Nguyễn Quang Linh: Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị (không phải của Thủ tướng) ngày 25/5/2009 đã nêu: “Thống nhất chủ trương chuyển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia vào năm 2015 (theo quy hoạch của Chính phủ) hoặc có thể sớm hơn nếu điều kiện cho phép nhằm tiếp tục phát huy truyền thống và lợi thế của Đại học Huế trong hệ thống giáo dục đại học cả nước”. Tiếp theo vào ngày 01/8/2014, Kết luận số 175/TB-TW, thông báo của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kết luận số 48/KL-TW của BCT khoá X tiếp tục khẳng định “Xây dựng, phát triển Đại học Huế thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của quốc gia và ngang tầm với các đại học trong khu vực; từng bước đạt chuẩn quốc tế để đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của khu vực và cả nước”.
Đến nay ĐHH chưa nhận được bất kỳ quyết định chính thức nào từ cấp trên thông báo chỉ đạo về việc điều chuyển các quy hoạch trên của BCT hay Của Trung Ương đối với ĐHH. Dù từ sau kết luận của Thủ tướng vào cuộc họp với 3 Đại học lớn vào chiều ngày 2/11, dư luận từ đội ngũ trí thức Huế, Thừa Thiên Huế có những nghi ngại, nhưng chúng tôi vẫn đang trong tâm thế đầu tư toàn tâm, toàn lực để phát triển thành Đại học theo Kết luận của Bộ Chính Trị, bởi vì ĐHH có những lợi thế mà không phải ĐH nào trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng có được.
PV: Trước một quyết định thành văn có tính “bước ngoặt” nhưng dường như GĐ Đại học Huế có vẻ như vẫn rất bình tĩnh, tự tin. Dựa vào đâu mà ông có được tâm thế như vậy, ông không sợ con hà mã “trẻ trung” Đại học Đà Nẵng chen lên trước choán đường hay sao?
PGS.TS Nguyễn Quang Linh: Như chúng ta biết, Đà Nẵng là thành phố năng động về phát triển kinh tế, thương mại, là lợi thế, là cơ hội lớn cho ĐH Đà Nẵng. Tuy nhiên Huế là đất kinh kỳ, đất học, là trung tâm văn hóa giáo dục truyền thống lớn nhất của Miền Trung. Với chặng đường hơn 60 năm xây dựng và phát triển, hiện nay ĐHH bao gồm 8 Trường Đại học thành viên và nhiều Khoa trực thuộc, phân hiệu Quảng trị với đầy đủ các ngành nghề đào tạo, kể cả liên kết đào tạo quốc tế và đào tạo chất lượng cao. Đội ngũ giảng viên ĐHH gồm 235 Giáo sư và Phó giáo sư, hơn 600 Tiến sĩ; có 29 giáo sư danh dự nước ngoài tham gia giảng dạy, tổ chức đào tạo 118 ngành bậc đại học, 81 ngành bậc thạc sĩ, 52 ngành và chuyên ngành tiến sĩ, 78 chuyên khoa I và II về Y khoa, quy mô đào tạo gần 50.000 sinh viên hệ chính quy. Với tiềm lực hiện có về cả con người và cơ sở vật chất ĐHH là Đại học có Quy mô lớn nhất hiện so với cả nước, luôn vững vàng trong bước tiến lên ĐH Hàng đầu của Việt Nam.
Với dân số 90 triệu dân, chính phủ Việt Nam cũng cần đầu tư phát triển nhiều Trường Đại học, trung tâm Đại học xứng tầm. Kinh nghiệm ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh khi quỹ đất là cố định, đang cần phải chuyển dịch nhiều trung tâm hành chính lớn ra ngoại thành, thiết nghĩ việc quy hoạch phát triển Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế chính trị và Huế là trung tâm văn hóa giáo dục của Miền Trung nên cần được xem xét ở tầm nhìn vĩ mô lâu dài.
Đầu tư con người mất rất nhiều thời gian và khó khăn hơn rất nhiều so với xây dựng nhà cửa, hay mua sắm trang thiết bị. Với giá trị truyền thống, đội ngũ cán bộ trình độ chất lượng cao hiện có và quy mô đào tạo hàng đầu, ĐH Huế có đủ thực lực để phát triển nhanh và tiến đến ĐH hàng đầu của quốc gia. Chúng tôi luôn kỳ vọng một chủ trương từ Chính phủ để thúc đẩy nhanh sự phát triển của ĐHH trên nền tảng vững chắc sẳn có.
PV: Ở cương vị lãnh đạo ĐH Huế, ông nhìn nhận đâu là khó khăn và nguyên nhân trong phát triển của ĐH Huế ở thời điểm hiện tại? Chiến lược phát triển ĐHH có điểm nào mang tính bứt phá để đổi mới?
PGS.TS Nguyễn Quang Linh: Thời gian vừa qua cũng là thời điểm khó khăn của rất nhiều trường đại học, đặc biệt là đại học công lập. Nhiều trường đại học mới (cả công lập và dân lập) được thành lập, cạnh tranh tuyển sinh ngày càng khó khăn, ngân sách đầu tư cho giáo dục và khoa học công nghệ có chiều hướng giảm. Những khó khăn mà ĐHH đang gặp phải cũng là khó khăn chung của nhiều Trường ĐH trong cả nước. Tuy nhiên với bề dày truyền thống, với đội ngũ cán bộ chất lượng cao, giữ vững quy mô đào tạo, ĐHH vẫn duy trì thứ hạng chất lượng đại học thuộc trong top 5 các trường ĐH của Việt Nam được xếp hạng trong khu vực Châu Á (theo xếp hạng của QS).
Mục tiêu chiến lược của ĐHH cũng đã khẳng định: Xây dựng Đại học Huế trở thành một đại học nghiên cứu, một trung tâm đào tạo, khoa học – công nghệ chất lượng cao, với trọng tâm là các lĩnh vực mũi nhọn hàng đầu trong khu vực về khoa học sức khỏe, nông-lâm-ngư, môi trường, công nghệ sinh học, khoa học cơ bản và xã hội, giáo dục, nghệ thuật; đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có đủ kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ, chủ động thích ứng với môi trường mới và việc làm để hội nhập quốc tế năng động.”
Phải công nhận thực tế bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ĐHH vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu nguồn lực để phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng sau hơn 20 năm xây dựng để đầu tư cho các trung tâm đào tạo và nghiên cứu trọng điểm… Nhận rõ thời cơ và thách thức, ĐHH xác định luôn đi lên chính bằng nội lực mà thế mạnh là nguồn nhân lực (con người) có trình độ cao, chú trọng tập trung đào tạo các ngành có thế mạnh như Y Dược, Nông Lâm Ngư nghiệp, Khoa học cơ bản, Công nghệ sinh học, Xã hội (Triết – Văn – Sử – Chính trị học- Luật – Báo chí) và Du lịch, Nghệ thuật… là những ngành nghề thế mạnh mũi nhọn so với các Trường ĐH ở khu vực Miền Trung.
Cụ thể chiến lược phát triển của ĐHH trong giai đoạn mới là (1) thay đổi cơ chế quản lý và hoạt động theo hướng tự chủ đại học đã được khẳng định bởi Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai năm 2017 với ĐHH; (2) nhanh chóng hoàn thiện đề án phát triển ĐH Huế theo hướng đại học nghiên cứu; (3) tăng cường hợp tác quốc tế trên cả 3 phương diện đào tạo, KHCN và quản trị đại học; (4) nâng cao vị thế ĐHH trong khu vực và quốc tế thông qua tăng bậc xếp hạng trong hệ thống giáo dục đại học quốc gia và quốc tế; (5) quy hoạch và tái cấu trúc lại các ngành nghề đào tạo theo hướng tăng cường xã hội hoá và hợp tác công tư trong giáo dục đại học, theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Xin cảm ơn ông ! Nguyễn Thị Thúy Hồng (thực hiện) (http://newsthoidai.vn)
Tin mới hơn
Tin đã đăng
Tin bão gần bờ (cơn bão số 12) (03-11-2017)
Huấn luyện Phòng cháy chữa cháy năm 2017 (17-10-2017)
Khai giảng năm học 2017 - 2018 (02-10-2017)
Thông báo tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2017 – 2018 (21-09-2017)
Đại học Huế có 2 Phó giám đốc mới (07-09-2017)
|
Sự kiện nổi bật
Sự kiện mới nhất
LIÊN KẾT WEBSITE
|